Những điều mẹ nhất định phải biết về giấc ngủ của bé


Giấc ngủ rất quan trọng đối với tất cả trẻ em và người lớn. Đó là khoảng thời gian để cả cơ thể và bộ não được nghỉ ngơi để chuẩn bị cho chuỗi hoạt động sôi nổi vào ngày hôm sau. Nếu không được nghỉ ngơi đủ, cơ thể bé sẽ rất mệt mỏi và đầu óc thiếu minh mẫn

Trong thời đại thông tin, hầu hết các bậc phụ huynh đều dễ dàng trang bị kiến thức chăm sóc cho con trẻ. Thế nhưng cho con ngủ bao nhiêu là đủ, ngủ thế nào cho ngon lại là câu hỏi khiến nhiều cha mẹ lúng túng.

Với một bản thống kê đã được các chuyên gia ghi lại, bạn có thể biết tương đối chính xác việc bé yêu có đang được ngủ đủ với nhu cầu của lứa tuổi mình hay không. Giấc ngủ có thể dài hơn hoặc ngắn hơn tùy vào đặc điểm và thói quen của mỗi bé.

Thông thường, chúng ta trải qua 2 dạng giấc ngủ khác nhau, đó là giấc ngủ chuyển động mắt nhanh hay giai đoạn mơ – REM và giấc ngủ không mơ – non REM. Trong giai đoạn sâu của giấc ngủ không mơ, nguồn cung cấp máu cho các cơ bắp được tăng lên, năng lượng được phục hồi. Đồng thời với quá trình này là sự tăng trưởng và phục hồi của tế bào. Trong giai đoạn này, cơ thể cũng sẽ giải phóng các hoóc-môn quan trọng cho sự tăng trưởng và phát triển. Vì vậy, trẻ cần được ngủ đủ nhu cầu.

Bé ngủ bao nhiêu là đủ

Khi ngủ, cơ thể và bộ não được nghỉ ngơi, hồi phục lại năng lượng, tế bào sửa chữa và tăng sinh. Đồng thời các hormone quan trọng cho sự sinh trưởng và phát triển của bé cũng được giải phóng trong thời gian này.

Trước hết, bé cần được ngủ đủ. Thời gian ngủ cần thiết để đáp ứng nhu cầu của cơ thể là khác nhau ở mỗi lứa tuổi. Dưới đây là thời gian trung bình bé cần ngủ mỗi ngày, theo nghiên cứu của NSF Hoa Kỳ (National Sleep Foundation):

Tuổi

Thời gian ngủ ban ngày

Tổng thời gian

1-2

1 – 3 tiếng

11 – 14 tiếng

3-5

0 – 2,5 tiếng

10 – 13 tiếng

6 – 13

Không cần

9 – 11 tiếng

Lưu ý: Với những bé có giấc ngủ ban ngày lâu hơn thì ban đêm bé sẽ ngủ ít hơn và ngược lại.

Chất lượng giấc ngủ

Bên cạnh thời gian ngủ, chất lượng giấc ngủ cũng đóng vai trò rất quan trọng trong sự phát triển của bé. Bé cần được ngủ yên giấc và không ngắt quãng trong suốt thời gian ngủ.

Khi bé 1 - 2 tuổi: Các bé thường không muốn đi ngủ và có tâm lý sợ buổi đêm do ác mộng.

Hầu hết trẻ em đều cần ngủ nhiều và đôi khi là nhiều hơn mức ba mẹ cho phép. Thông thường, khi một đứa trẻ có thói quen ngủ ít hoặc từ chối đi ngủ hoặc đi ngủ trước 10 tối, phụ huynh có thể cho rằng chúng không cần ngủ nhiều.  Thực ra, đây là một số biểu hiện của chứng khó ngủ hay mất ngủ. Hội chứng này khiến bé mệt mỏi khi đến giờ ngủ.

Vì vậy, cha mẹ cần duy trì thời gian ngủ thống nhất, đồng thời đảm bảo môi trường xung quanh bé không thay đổi trong suốt đêm và giống nhau mỗi đêm. Ngoài ra, để bé ngủ ngon hơn có thể cho bé sử dụng chăn mỏng hoặc thú nhồi bông.

Khi bé 3 – 5 tuổi: Khó ngủ và thức dậy lúc nửa đêm là hiện tượng thường thấy ở lứa tuổi này. Đồng thời, bé vẫn giữ tâm lý sợ đêm và hay gặp ác mộng. Ở một số trường hợp, bé thậm chí có thể bị mộng du hoặc giật mình khi ngủ.

Vì thế, duy trì một thời gian ngủ thống nhất là rất quan trọng. Cha mẹ cũng nên chơi với bé trước khi đi ngủ để giúp bé thư giãn. Phòng ngủ nên thoáng mát, yên tĩnh và tối hoàn toàn.

Khi bé 6 – 13 tuổi: Ở lứa tuổi này, bé đã bắt đầu đi học và tham gia vào nhiều hoạt động thể chất xã hội khác nhau. Bé thích sử dụng tivi, máy tính, Internet nhiều hơn – đây là những yếu tố có thể khiến bé khó ngủ, gặp ác mộng hoặc ngủ không thẳng giấc. Đặc biệt, xem tivi ngay trước khi đi ngủ thường khiến bé không muốn ngủ, khó ngủ, có tâm lý lo lắng và ngủ ít hơn. Chất lượng giấc ngủ kém hoặc ngủ không đủ có thể khiến tâm trạng của bé trở nên bất ổn, ảnh hưởng đến nhận thức và khả năng học tập.

Để đảm bảo chế độ nghỉ ngơi cho bé ở tuổi này, cha mẹ nên bắt đầu dạy và tập cho bé thói quen ngủ lành mạnh với thời gian ngủ thống nhất, liên tục. Phòng ngủ của bé cần được bố trí để hỗ trợ cho giấc ngủ sâu – tối, thoáng mát và yên tĩnh. Trong phòng ngủ của bé không nên để các thiết bị điện tử như tivi và máy tính để tránh gây xao nhãng.